Lịch sử hoạt động Scharnhorst_(lớp_thiết_giáp_hạm)

Chế tạo – Các hoạt động ban đầu

Gneisenau trong cảng

Gneisenau được đặt lườn vào ngày 3 tháng 5 năm 1935 tại xưởng Deutsche Werke ở Kiel. Nó được hạ thủy vào ngày 8 tháng 12 năm 1936 và hoàn tất vào ngày 21 tháng 5 năm 1938.[30] Trong khi hạ thủy, con tàu đã phải chịu hư hại nhẹ ở phần đuôi tàu; dây xích hãm tốc độ hạ thủy bị đứt nên con tàu trôi quá xa và bị mắc cạn trên bờ sông đối diện. Sau khi đưa vào hoạt động, Gneisenau trải qua năm đầu tiên tiến hành các chuyến đi chạy thử máy và huấn luyện tại biển Baltic. Các chuyến đi đã bộc lộ ra việc bị ướt nước nặng trước mũi và cầu tàu, nên vào tháng 1 năm 1939 nó được trang bị một"mũi tàu Đại Tây Dương".[31] Scharnhorst được đặt lườn tại xưởng KriegsmarinewerftWilhelmshaven, vào ngày 16 tháng 5 năm 1935. Nó được hạ thủy vào ngày 30 tháng 6 năm 1936 và hoàn tất vào ngày 7 tháng 1 năm 1939.[30] Vào giữa năm 1939, con tàu tiến hành chạy thử máy tại biển Baltic; và cũng giống như Gneisenau, phần nổi thấp của con tàu đã buộc phải trang bị bổ sung"mũi tàu Đại Tây Dương", vốn hoàn tất vào tháng 8 năm 1939. Trong đợt tái trang bị, nó được bổ sung một hầm chứa máy bay lớn giữa tàu. Chiếc tàu chiến mới rời xưởng tàu vào tháng 10.[32]

Vào ngày 21 tháng 11, Scharnhorst, Gneisenau, các tàu tuần dương hạng nhẹ KölnLeipzig cùng nhiều tàu khu trục tiến hành một cuộc càn quét giữa Icelandquần đảo Faroe; trong đó các tàu chiến Đức đã đụng độ với tàu buôn tuần dương vũ trang Anh HMS Rawalpindi. Scharnhorst đã đánh chìm tàu đối phương, nhưng cũng trúng phải một phát đạn pháo 152 mm của Rawalpindi.[32] Scharnhorst dừng lại để vớt những người sống sót, nhưng sự xuất hiện của tàu tuần dương HMS Newcastle đã buộc các tàu chiến Đức phải rút lui.[33]

Chiến dịch Weserübung

Scharnhorst sau khi được bổ sung"mũi tàu Đại Tây Dương"

Vào ngày 7 tháng 4 năm 1940, Scharnhorst và Gneisenau đã hình thành nên lực lượng hỗ trợ chủ yếu cho cuộc chiếm đóng NarvikTrondheim tại Na Uy trong quá trình Chiến dịch Weserübung. Lúc 04 giờ 30 phút ngày 9 tháng 4, radar Seetakt trên chiếc Gneisenau dò được một đối tượng, và cả hai chiếc được lệnh bước vào vị trí tác chiến. Nữa giờ sau, mục tiêu được xác định là chiếc tàu chiến-tuần dươngHMS Renown, vốn nằm trong thành phần hỗ trợ cho một hoạt động rải mìn của Anh Quốc. Chiếc tàu chiến-tuần dương Anh thoạt tiên nhắm vào Gneisenau ở khoảng cách 11.800 m (12.900 yd). Trong vòng năm phút, Gneisenau bắn trúng Renown hai phát, nhưng cũng bị đáp trả hai phát, một phát làm hư hại tháp pháo phía sau của Gneisenau,[34] trong khi phát kia làm hư hại bộ radar Seetakt của nó.[35] Radar điều khiển hỏa lực của Scharnhorst gặp trục trặc kỹ thuật, ngăn trở nó có thể đối đầu hiệu quả với Renown. Chiếc tàu chiến Anh đụng độ với Scharnhorst một lúc ngắn bắt đầu từ 05 giờ 18 phút, cho dù các cú cơ động hiệu quả đã giúp Scharnhorst né tránh không bị bắn trúng. E ngại các tàu khu trục tháp tùng theo Renown có thể mở cuộc tấn công bằng ngư lôi, chỉ huy Đức ra lệnh rút lui khỏi trận chiến.[34] Đến 07 giờ 15 phút, các tàu chiến Đức đã thoát khỏi chiếc Renown vốn có tốc độ chậm hơn.[32] Trên đường rút lui, Scharnhorst chịu đựng hư hại ở tháp pháo"A"do nước biển tràn mạnh qua mũi tàu.[32] Scharnhorst và Gneisenau gặp gỡ tàu tuần dương hạng nặng Admiral Hipper trước khi tiếp tục đi đến Wilhelmshaven.[36]

Scharnhorst và Gneisenau, cùng với Admiral Hipper và bốn tàu khu trục, lại lên đường vào ngày 4 tháng 6. Sau các hoạt động tại Bắc Hải mang lại kết quả đánh chìm nhiều tàu vận tải Anh, Admiral Hipper và các tàu khu trục được cho tách ra để tiếp nhiện liệu tại Na Uy bị chiếm đóng. Lúc 16 giờ 45 phút ngày 8 tháng 6, Scharnhorst và Gneisenau phát hiện tàu sân bay Anh HMS Glorious, được các tàu khu trục HMS AcastaHMS Ardent hộ tống, ở khoảng cách 50.000 m (55.000 yd). Các tàu khu trục thả một màn khói trong một nỗ lực nhằm che khuất chiếc tàu sân bay, nhưng các tàu chiến Đức nhanh chóng thu ngắn khoảng cách.[37] Lúc 17 giờ 26 phút, khoảng cách giữa hai bên đã được thu ngắn còn một nửa, khoảng 25.000 mét (27.000 yd), và cả hai chiếc tàu Đức nổ súng. Scharnhorst bắn trúng Glorious ở một cự ly khoảng 24.200 m (26.500 yd), một trong những phát bắn trúng xa nhất được ghi nhận trong suốt lịch sử hải chiến.[1][Ghi chú 5] Glorious bị bắn trúng ít nhất ba phát đạn pháo, biến thành một xác tàu cháy bừng; đến 19 giờ 00 nó lật úp và chìm. Scharnhorst chuyển hỏa lực sang chiếc Ardent trong khi Gneisenau nhắm vào Acasta; cả hai đều tiêu diệt được mục tiêu của mình. Trước khi chìm, Acasta phóng bốn quả ngư lôi nhắm vào Scharnhorst; con tàu Đức né tránh được ba nhưng quả thứ tư đánh trúng mạn phải gần tháp pháo phía sau. Trong suốt trận đánh, Scharnhorst đã bắn tổng cộng 212 quả đạn pháo chính.[36]

Quả ngư lôi đánh trúng đã gây hư hại đáng kể cho Scharnhorst: nhiều ngăn kín nước, bao gồm một phần phòng động cơ bên mạn phải bị ngập nước, nó bị nghiêng 3°, và bị chìm xuống 3 m (9,8 ft) ở phần đuôi.[36] Hai con tàu Đức rút lui về Trondheim, cho dù Scharnhorst bị giới hạn ở tốc độ 20 hải lý trên giờ (37 km/h; 23 mph), chúng đến nơi vào trưa ngày 9 tháng 6. Vào ngày 11 tháng 6, 12 máy bay ném bom Lockheed Hudson của Không quân Hoàng gia Anh tìm cách ném bom Scharnhorst; tất cả đều trượt khỏi mục tiêu. Một cuộckhông kích khác, lần này là bởi 15 chiếc Blackburn Skua xuất phát từ tàu sân bay HMS Ark Royal của Hải quân Hoàng gia Anh, tiếp nối vào ngày 13 tháng 6. Máy bay Không quân Đức (Luftwaffe) đã đánh chặn và bắn rơi tám máy bay tấn công; nhưng số còn lại đã vượt qua được hàng rào phòng thủ, một quả bom đã ném trúng đích, nhưng nó không phát nổ. Đến ngày 20 tháng 6, công việc sửa chữa tạm thời đã đủ cho phép con tàu lên đường quay trở về Kiel. Hai đợt không kích khác đuổi theo, nhưng hỏa lực phòng không của Scharnhorst và các tàu hộ tống đã ngăn chặn được chúng. Các báo cáo về sự hiện diện của tàu chiến Anh trong khu vực đã buộc nó phải ẩn náu tại Stavanger trong hai ngày trước khi tiếp tục hành trình đến Kiel. Công việc sửa chữa được tiến hành trong sáu tháng tiếp theo.[38]

Chiến dịch Berlin

Dưới sự chỉ huy của Đô đốc Günther Lütjens, Scharnhorst và Gneisenau xâm nhập ra Đại Tây Dương vào tháng 1 năm 1941 để đánh phá các đoàn tàu vận tải đi lại giữa Bắc Mỹ và Anh Quốc.[39] Vào ngày 8 tháng 2, chúng phát hiện Đoàn tàu vận tải HX 106, nhưng nó được hộ tống bởi thiết giáp hạm HMS Ramillies, trang bị tám pháo 38 cm (15 inch); vì vậy các tàu chiến Đức từ bỏ cuộc tấn công.[39] Một đoàn tàu vận tải thứ hai được tìm thấy vào ngày 22 tháng 2; Scharnhorst đánh chìm tàu chở dầu Lustrous,[38] trong khi Gneisenau tiêu diệt bốn tàu chở hàng.[39] Đến ngày 8 tháng 3, Scharnhorst trông thấy một đoàn tàu vận tải khác, nhưng nó lại được thiết giáp hạm bảo vệ, lần này là bởi HMS Malaya. Một tuần lễ sau, 15 tháng 3, một đoàn tàu vận tải khác bị đánh chặn; Scharnhorst đánh chìm hai chiếc[38] trong khi Gneisenau chiếm giữ ba và đánh chìm một.[40] Sau trận đánh, Scharnhorst và Gneisenau hướng đến Brest trong vùng đất Pháp bị chiếm đóng; chúng đến nơi vào ngày 22 tháng 3.[38]

Ngày 6 tháng 4, bốn máy bay ném ngư lôi Bristol Beaufort đã tấn công Gneisenau trong cảng; chỉ có một chiếc máy bay thành công, nhưng phát đánh trúng duy nhất này đã gây hư hại đáng kể cho con tàu. Gneisenau bị ngập khoảng 3.050 tấn (3.000 tấn Anh; 3.360 tấn Mỹ) nước, làm nó nghiêng 2° và chìm sâu hơn trong nước. Áp lực mạnh của vụ nổ cũng gây ra nhiều hư hỏng cấu trúc bên trong; các thùng nhiên liệu bị vỡ và hệ thống điện bị hư hại. Một tàu kéo cứu hộ được cho cặp bên mạn để trợ giúp vào việc kiểm soát ngập nước. Gneisenau được đưa vào ụ tàu để sửa chữa, và công việc bị kéo dài do có thêm các cuộc không kích khác của Anh. Trong đêm 9-10 tháng 4, máy bay ném bom tầm cao Anh đã tấn công Gneisenau lẫn Scharnhorst; chiếc sau thoát được mà không bị hư hại, nhưng chiếc thứ nhất bị đánh trúng bốn lần khiến 72 người thiệt mạng và thêm 90 người khác bị thương.[41]

Trong khi ở trong ụ tàu tại La Pallice vào ngày 24 tháng 7, Scharnhorst bị nhiều phi đội máy bay ném bom Handley Page Halifax tấn công; năm quả bom đã trúng đích, bao gồm hai quả bom miểng 227 kg (500 lb) và hai quả bom bán xuyên thép 454 kg (1.001 lb).[42] Hai quả bom 454 kg đã xuyên thủng được cả hai sàn tàu bọc thép xuống đến tận đáy tàu kép, tuy nhiên chúng đã không phát nổ. Quả thứ ba cũng bị tịt ngòi. Một quả bom 227 kg xuyên qua sàn phía trên ngay phía trước tháp pháo phía sau, và đã phát nổ trên sàn bọ thép chính.[43] Quả bom cuối cùng rơi bên mạn phải và cũng phát nổ trên sàn bọc thép chính.[42] Con tàu bị nghiêng 8° sau khi bị tràn từ 1.520 tấn Anh (1.700 tấn Mỹ) đến 3.050 tấn Anh (3.420 tấn Mỹ) nước, với thương vong gồm hai người chết và 15 người khác bị thương. Ngày hôm sau Scharnhorst đi đến Brest để sửa chữa, vốn kéo dài đến bốn tháng.[43]

Chiến dịch Cerberus

Ảnh chụp Scharnhorst tại Kiel bởi không ảnh trinh sát, sau chuyến vượt qua"eo biển Anh Quốc"

Vào đầu năm 1942, thủy thủ của Scharnhorst, Gneisenau và tàu tuần dương hạng nặng Prinz Eugen tiến hành những chuẩn bị cho Chiến dịch Cerberus, một chuyến đi vượt qua eo biển Anh Quốc ngay giữa ban ngày. Những con tàu này được lệnh tái bố trí đến Na Uy nhằm ngăn chặn các đoàn tàu vận tải đi ngang Bắc HảiBắc cực tiếp tế cho Liên Xô, cũng như để phòng thủ vùng đất chiếm đóng Na Uy.[44] Các con tàu rời Brest vào cuối ngày 11 tháng 2, và đã không bị phát hiện trong hầu hết cuộc hành trình. Về phía Đông Dover, một tốp sáu máy bay ném bom-ngư lôi Fairey Swordfish đã tấn công các con tàu mà không mang lại kết quả. Lúc 15 giờ 31 phút, Scharnhorst trúng phải một quả thủy lôi từ tính, gây hư hại cho các cầu chì ngắt điện của con tàu đến mức bị mất điện toàn bộ. Con tàu bị bất động một lúc ngắn từ 15 giờ 49 phút đến 16 giờ 01 phút, sau đó cả ba turbine được tái hoạt động và con tàu lấy lại được tốc độ 27 kn (50 km/h; 31 mph). Một loạt các cuộc không kích khác đã tiếp nối, nhưng nhờ vào sự cơ động lẩn tránh, hoả lực phòng không và sự giúp đỡ của máy bay Không quân Đức, tất cả đều bị đẩy lui.[45] Đến trưa ngày 13 tháng 2, Scharnhorst về đến Wilhelmshaven, và sau hai ngày nó được chuyển đến Kiel để sửa chữa, vốn kéo dài cho đến tháng 7 năm 1942.[46]

Gneisenau và Prinz Eugen tiếp tục hành trình đến Na Uy trong khi Scharnhorst ngừng hoạt động. Lúc 14 giờ 45 phút, các con tàu bị năm máy bay tiêm kích-ném bom Whirlwind tấn công nhưng bị các máy bay Đức đẩy lui. Thêm nhiều đợt không kích khác được tiếp nối trong vòng hai giờ tiếp theo mà không mang lại kết quả nào cho phía Anh. Đến 16 giờ 17 phút, năm tàu khu trục Anh tìm cách phóng ngư lôi vào các tàu chiến Đức, nhưng hỏa lực hạng nặng của Gneisenau và Prinz Eugen đã tiêu diệt một chiếc và buộc các chiếc khác phải tháo lui. Khi gần đến Terschelling, Gneisenau trúng phải một quả thủy lôi gây hư hại nhẹ cho lườn tàu, sức ép của vụ nổ gây hư hại cho một trong các turbine. Thuyền trưởng đã ra lệnh dừng con tàu để thực hiện sửa chữa tạm thời, vốn kéo dài khoảng 30 phút. Đến 03 giờ 50 phút ngày 13 tháng 2, con tàu đi đến Helgoland.[47]

Bố trí Scharnhorst đến Na Uy

Vào tháng 1 năm 1943, người ta quyết định bố trí Scharnhorst cùng với Prinz Eugen và nhiều tàu khu trục đến Na Uy. Những dự định khởi hành vào các ngày 723 tháng 1 bị hủy bỏ sau khi hải quân nhận được báo cáo về các hoạt động tích cực của Không quân Hoàng gia từ các sân bay Anh Quốc. Một lần cố gắng thứ ba vào ngày 10 tháng 2 bị hủy bỏ khi Scharnhorst bị mắc cạn đang khi cố gắng tránh va chạm với một tàu ngầm U-boat; công việc sửa chữa kéo dài cho đến ngày 26 tháng 2.[48] Vào ngày 8 tháng 3, Scharnhorst cùng bốn tàu khu trục rời Gdynia; nó đi đến ngoài khơi Narvik vào ngày 14 tháng 3. Trong sáu tháng tiếp theo sau, tình trạng thiếu hụt nhiên liệu đã ngăn trở mọi hoạt động lớn của Scharnhorst cũng như bất kỳ tàu chiến nào khác tại Na Uy,[49] kể cả chiếc thiết giáp hạm lớp Bismarck Tirpitz và tàu tuần dương hạng nặng Lützow.[50]

Trận chiến mũi North

Vào ngày 20 tháng 12 năm 1943, Scharnhorst được lệnh đánh chặn đoàn tàu vận tải đi đến Liên Xô tiếp theo, đoàn JW 55B.[51] Nó chỉ hoạt động phối hợp với năm tàu khu trục; Tirpitz bị hư hại trong một cuộc không kích của Anh vào tháng 9, và Lützow đang được gửi đi sửa chữa định kỳ.[50] Ngày 25 tháng 12, vị trí của đoàn tàu vận tải được xác định, vào 19 giờ 00 con tàu rời cảng dưới quyền chỉ huy của Chuẩn Đô đốc Erich Bey. Tuy nhiên, hạm đội Anh có được một ưu thế đáng kể: họ có khả năng giải được các bộ mật mã của Hải quân Đức, nên họ biết rõ ý định của Bey.[52] Các tàu tuần dương HMS Sheffield, HMS BelfastHMS Norfolk được bố trí để ngăn chặn Scharnhorst. Đô đốc Bruce Fraser bên trên thiết giáp hạm HMS Duke of York ở cách đó khoảng 270 hải lý, đang tiến đến để chặn đường rút lui của Scharnhorst sau khi nó đối đầu với ba tàu tuần dương Anh. Ngày 26 tháng 12, Belfast bắt được tín hiệu của Scharnhorst trên màn hình radar lúc 08 giờ 40 phút; và 40 phút sau trinh sát viên trên Sheffield trông thấy con tàu ở khoảng cách 11.000 m (12.000 yd). Không lâu sau đó, Belfast bắn đạn pháo sá́ng để chiếu rõ mục tiêu, và Norfolk khai hỏa các khẩu pháo 20,3 cm (8 inch) của nó; trong vòng 20 phút nó đã bắn trúng Scharnhorst hai phát,[53] phát trúng thứ hai đã phá hủy bộ radar Seetakt phía trước của Scharnhorst.[54]

Những người sống sót của Scharnhorst đang lên bờ tại Scapa Flow

Đến 10 giờ 00, Scharnhorst, sử dụng lợi thế nhanh hơn về tốc độ 4–6 knot, bứt ra khỏi cuộc chiến để tiếp tục truy tìm đoàn tàu vận tải. Đến 12 giờ 00, Belfast lại phát hiện được Scharnhorst, và sau 20 phút lại tiếp tục trong tầm bắn pháo.[55] Lần này, Scharnhorst may mắn hơn trong các loạt đạn pháo; đến 12 giờ 23 phút, Norfolk bị bắn trúng hai phát đạn pháo 28,3 cm. Một phát vô hiệu hóa một tháp pháo, và phát kia làm thủng lườn tàu một lỗ lớn và làm hỏng radar. Các phát đạn bắn suýt trúng đã tung cơn mưa mảnh đạn lên chiếc Sheffield. Đến 12 giờ 41 phút, một lần nữa Scharnhorst tăng tốc và bứt ra khỏi cuộc chiến; nhưng các tàu chiến Anh vẫn tiếp tục dõi theo và báo cáo vị trí của nó cho Đô đốc Fraser trên chiếc Duke of York. Lúc 13 giờ 15 phút, Đô đốc Bey quyết định hủy bỏ cuộc truy tìm và quay trở về cảng.[56] Ngay trước 17 giờ 00, các tàu chiến Anh lại tiếp cận nó; Belfast một lần nữa lại chiếu rọi mục tiêu bằng đạn pháo sáng, trong khi Duke of York khai hỏa với dàn pháo chính của nó. Một phát bắn trúng từ chiếc Duke of York đã vô hiệu hóa tháp pháo"A", rồi đến 18 giờ 00, một phát bắn trúng khác đã xuyên thủng phần trên của đai giáp, gây hư hại đáng kể cho phòng động cơ. Phát bắn trúng đã tạm thời làm giảm tốc độ của nó xuống còn 8 kn (15 km/h; 9,2 mph), cho dù việc sửa chữa nhanh cho phép nó lại có thể di chuyển ở tốc độ 22 kn (41 km/h; 25 mph).[57]

Để đáp trả, đạn pháo 28 cm từ chiếc Scharnhorst đã bắn trúng cột ăn-ten của Duke of York, vô hiệu hóa bộ radar dò tìm mặt biển. Việc không có radar buộc Duke of York phải ngừng bắn lúc 18 giờ 24 phút, sau khi đã bắn trúng Scharnhorst ít nhất 13 lần.[58] Những phát bắn trúng từ chiếc Duke of York đã loại khỏi vòng chiến hầu hết dàn vũ khí của Scharnhorst. Đô đốc Fraser ra lệnh cho các tàu khu trục của ông tiếp cận để phóng ngư lôi vào nó. Scharnhorst trúng ít nhất bốn quả ngư lôi phóng từ các chiếc HMS ScorpionHNoMS Stord. Các cú đánh trúng đã gây ngập nước lan rộng và làm giảm tốc độ con tàu xuống còn 12 kn (22 km/h; 14 mph). Duke of York sau đó tiến đến gần ở cự ly 9.100 m (10.000 yd) để nả pháo xuống con tàu. Vào lúc đó, chỉ còn tháp pháo"C"của Scharnhorst còn hoạt động; các pháo thủ còn sống sót chuyển đạn từ các tháp pháo bị vô hiệu"A"và"B"sang tháp pháo"C". Do bị tràn thêm nhiều nước, tốc độ của Scharnhorst tiếp tục giảm còn 5 kn (9,3 km/h; 5,8 mph).[59] Đến 19 giờ 25 phút, tàu tuần dương hạng nhẹ HMS Jamaica phóng ba ngư lôi, rồi được tiếp nối với sáu quả từ chiếc Belfast. Nhiều tàu khu trục cũng tiếp cận và phóng ngư lôi, mặc dù trong màn khói và sương mù, không thể biết rõ có bao nhiêu quả đã trúng đích và tiếp tục hủy hoại con tàu. Scharnhorst bị nghiêng nặng, và đến 19 giờ 45 phút, con tàu lật sang mạn phải và chìm trong khi chân vịt của nó còn tiếp tục quay.[60] Nó chìm ở tọa độ 72°16′0″B 28°41′0″Đ / 72,26667°B 28,68333°Đ / 72.26667; 28.68333. Trong tổng số 1.968 sĩ quan và thủy thủ, chỉ có 36 người sống sót.[61] Chuẩn Đô đốc Erich Bey mất cùng với con tàu của mình.[62]

Tái cấu trúc Gneisenau

Tháp pháo"C"của Gneisenau tại Na Uy

Gneisenau cũng được dự định để bố trí đến Na Uy, nhưng nó đã bị hư hại nặng trong một cuộc không kích vào đêm 2627 tháng 2 năm 1942. Một quả bom 454 kg đã xuyên thủng sàn tàu bọc thép ngay phía trước tháp pháo phía trước, các mảnh đạn đã kích nổ hầm đạn, gây hư hại nặng nề mũi con tàu và làm nổ tung tháp pháo"A"; 112 người chết và thêm 21 người khác bị thương. Người ta ước lượng phải mất đến hai năm mới có thể đưa nó trở lại hoạt động.[63] Vì đây là một khoảng thời gian dài, sẽ hiệu quả hơn nếu như trong thời gian sửa chữa, con tàu sẽ được tái cấu trúc để mang sáu khẩu pháo 38 cm (15 inch) thay cho kiểu vũ khí 28,3 cm. Để đạt được điều này, lườn tàu cần phải được kéo dài thêm 10 m (33 ft) để cung cấp thêm độ nổi cần thiết, và hệ thống điện cũng cần được đại tu. Các tháp pháo"B"và"C"được tháo dỡ và chuyển đến Na Uy để phục vụ như là pháo phòng thủ duyên hải.[64]

Vào ngày 4 tháng 4, cùng với tàu phá băng Castor và thiết giáp hạm tiền-dreadnought cũ SMS Schlesien, Gneisenau rời Kiel đi đến Gdynia. Tại đây công việc cải biến được bắt đầu: mũi tàu hư hại được tháo bỏ, tháp pháo"B"và"C"được tháo dỡ và tháo rời để chuyển đi. Krupp sẽ chế tạo các tháp pháo 38 cm mới, vốn đòi hỏi phải gia cường cấu trúc bệ tháp pháo để chịu đựng sức nặng của chúng. Vào đầu năm 1943, việc sửa chữa đã hầu như hoàn tất và con tàu đã sẵn sàng để tiếp nhận mũi tàu được cải tiến và các tháp pháo 38 cm, nhưng điều này đã không được thực hiện. Sự thất bại của các đơn vị hạm tàu nổi trong việc ngăn chặn và tiêu diệt một đoàn tàu vận tải tại Bắc Cực vào ngày 31 tháng 12 năm 1942 đã khiến Hitler ra lệnh tháo dỡ mọi tàu chiến chủ yếu. Công việc trên chiếc Gneisenau bị dừng lại, các vật liệu dành cho việc sửa chữa nó được chuyển cho các dự án khác.[65]

Con tàu được tháo dỡ mọi vũ khí và bị bỏ xó tại cảng.[66] Các khẩu pháo 15 cm của nó được đặt làm pháo phòng duyên tại Đan Mạch.[2] Khi quân đội Xô-Viết tiến đến gần vào năm 1945, con tàu được kéo ra phía ngoài cảng và bị đánh chìm như một tàu ụ cản vào ngày 23 tháng 3 năm 1945.[66] Sau chiến tranh, một hãng trục vớt Ba Lan đã cho nổi lại xác tàu vào ngày 12 tháng 9 năm 1951 rồi sau đó cho tháo dỡ lấy sắt vụn. Tháp pháo"C"tiếp tục ở lại Trondheim, Na Uy; chính phủ Na Uy đã không thành công trong dự định hoàn trả tháp pháo về Đức để trưng bày trong một bảo tàng.[6] Các khẩu pháo 15 cm tại Đan Mạch được chuyển cho quân đội nước này; hai tháp pháo được chuyển đến pháo đài Stevnsfort vào năm 1952. Các khẩu pháo được đưa về lực lượng dự bị vào năm 1984, mặc dù chúng được tiếp tục bắn trong các đợt huấn luyện hàng năm. Chúng bắn những phát đạn pháo sau cùng vào năm 2000, trước khi pháo đài được chuyển thành một bảo tàng.[2]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Scharnhorst_(lớp_thiết_giáp_hạm) http://www.navweaps.com/Weapons/WNGER_11-545_skc34... http://www.navweaps.com/Weapons/WNGER_20mm-65_c30.... http://www.navweaps.com/Weapons/WNGER_37mm-83_skc3... http://www.navweaps.com/Weapons/WNGER_41-65_skc33.... http://www.navweaps.com/Weapons/WNGER_59-55_skc28.... http://www.navweaps.com/Weapons/WTGER_WWII.htm http://www.history.navy.mil/photos/sh-fornv/german... //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v... //www.worldcat.org/oclc/22101769 //www.worldcat.org/oclc/246548578